CÔNG BỐ SẢN PHẨM

Thủ tục công bố hợp quy thực phẩm

Khi công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải đăng ký bản công bố hợp quy tại sở chuyên ngành tương ứng tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

1. Công bố hợp quy là gì?

Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố hợp quy theo quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Khi công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải đăng ký bản công bố hợp quy tại sở chuyên ngành tương ứng tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Trình tự công bố hợp quy 

a) Bước 1: Đánh giá hợp quy
Tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá hợp quy theo một trong hai phương thức sau: Thông qua tổ chức chứng nhận hợp quy do Bộ Y tế chỉ định hoặc tự đánh giá hợp quy theo nội dung đánh giá hợp quy được quy định và thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận;
b) Bước 2: Đăng ký bản công bố hợp quy
Tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm lập và nộp hồ sơ công bố tại cơ quan có thẩm quyền.

3. Hồ sơ công bố hợp quy 

a) Công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định (bên thứ ba), hồ sơ gồm:
- Bản công bố hợp quy;
- Bản thông tin chi tiết sản phẩm;
- Chứng chỉ chứng nhận sự phù hợp của bên thứ ba;
- Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương .
b) Công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bên thứ nhất), hồ sơ gồm:
- Bản công bố hợp quy;
- Bản thông tin chi tiết về sản phẩm;
- Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng, gồm các chỉ tiêu theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; do các đối tượng sau cấp: Phòng kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận (bản gốc hoặc bản sao có công chứng); hoặc Phòng kiểm nghiệm của nước xuất xứ được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thừa nhận (bản gốc hoặc bản sao có công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự);
- Kế hoạch kiểm soát chất lượng;
- Kế hoạch giám sát định kỳ;
- Báo cáo đánh giá hợp quy;
- Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương.

4. Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy

a) Cục An toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực, các sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; xác nhận bằng văn bản đối với sản phẩm nhập khẩu (trừ thực phẩm chức năng) chỉ nhằm phục vụ sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp, kinh doanh trong siêu thị, khách sạn bốn sao trở lên.;
b) Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm sản xuất trong nước là thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn (trừ thực phẩm chức năng), vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó đóng trên địa bàn.
c) Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nơi tổ chức, cá nhân có trụ sở chính đóng trên địa bàn đối với sản phẩm sản xuất trong nước có mục đích xuất khẩu khi có yêu cầu của nước nhập khẩu.
d) Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nơi tổ chức, cá nhân có trụ sở chính đóng trên địa bàn: Sản phẩm có cùng chất lượng của cùng một tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm nhưng được sản xuất tại hai tỉnh, thành phố trở lên.
(Theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Thông tư 19/2012/TT-BYT hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm)

Dịch vụ khác