TIN TỨC

DN sản xuất phân bón lo lắng về Thông tư 41

Tại hội thảo về cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức ở TPHCM, đại diện các DN tham dự đã bày tỏ lo lắng về những quy định tại các phụ lục hướng dẫn thực hiện Nghị định 202 trong Thông tư 41.

Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón (có hiệu lực từ ngày 1/2/2016) và Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 202 có thể sẽ khiến nhiều DN sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác trong nước phải tạm dừng sản xuất hoặc đóng cửa vì không đáp ứng được các yêu cầu quy định tại các phụ lục hướng dẫn của Thông tư 41.

cap giap phep san xuat phan bon
 
Trước đây, hoạt động quản lý phân bón là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Kể từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, sản phẩm phân bón được chia ra làm 2 nhóm riêng biệt, theo đó phân bón hữu cơ vẫn thuộc Bộ NN&PTNT quản lý còn phân bón vô cơ được giao toàn bộ cho Bộ Công Thương quản lý.
 
Đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, kể từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, việc quản lý phân bón vô cơ được giao toàn bộ cho Bộ Công Thương. Trong khi đó, ngành công thương hiện chưa có cán bộ chuyên trách về phân bón nên chỉ trông chờ vào lực lượng quản lý thị trường, mà đơn vị này chủ yếu đảm nhiệm việc thanh kiểm tra hàng hóa khi đang lưu thông. Vì vậy, việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan tới phân bón gặp rất nhiều khó khăn.
 
Ngoài ra với khoảng 2.000 loại phân hữu cơ và phân bón khác mà các DN gửi về Cục Trồng trọt, đến nay, mới chỉ có trên 240 sản phẩm phân bón hữu cơ và phân bón khác được cấp phép. Phần lớn hồ sơ gửi về Cục Trồng trọt chưa đáp ứng được các yêu cầu. Nguyên nhân khiến hồ sơ không đầy đủ là do có những DN đã tiến hành làm khảo nghiệm cho sản phẩm nhưng lại chưa lập Hội đồng để đánh giá, công nhận kết quả khảo nghiệm hay DN quên không đăng ký lại trong danh mục…
 
Cục Trồng trọt cho biết đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã tiếp nhận 141 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ và chủng loại phân bón được cấp phép lại không nhiều (mới chỉ có 21 hồ sơ được cấp phép với 240 loại phân bón hữu cơ và phân bón khác). Sở dĩ như vậy là do qua thẩm định, hầu hết các hồ sơ đề nghị cấp phép đều chưa hợp lệ theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 202 và Điều 5 Thông tư 41.
 
Theo Cục Trồng trọt, kể từ khi quy định mới về quản lý phân bón có hiệu lực, đơn vị đã tiếp nhận 141 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên, qua thẩm định, hầu hết các hồ sơ đề nghị cấp phép đều chưa hợp lệ. Đa số DN không đáp ứng được yêu cầu quy định về nhân lực.
 
Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón hóa chất Cần Thơ cho biết, DN của ông đã nộp hồ sơ 7 tháng nay, nhưng đang vướng ở quy định về nhân lực. Ông Hào cho hay nếu tuân thủ quy định tại Điều 8, Mục 3, Khoản a Nghị định 202 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 41 thì công ty phải mất 4-5 năm nữa mới đáp ứng được yêu cầu về nhân lực.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng và ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt thì cho rằng trong Ban giám đốc chỉ cần một người có bằng cấp chuyên môn theo quy định là được.
 
Về điều kiện sản xuất phân bón, đại diện một DN cho rằng các quy định trong Nghị định và Thông tư chỉ phù hợp với DN đã có cơ sở vật chất sẵn, còn đối với các DN đầu tư mới vào lĩnh vực này thì dường như chưa được quan tâm. Để được sản xuất phân bón, DN phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật là điều hiển nhiên nhưng khi một DN mới muốn đầu tư vào lĩnh vực này, họ chưa biết có được chấp nhận hay không thì việc mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng, phòng thí nghiệm cũng khó có thể quyết định được.
 
Ông Phan Duy Đức, Giám đốc Công ty TNHH phân bón Hiếu Giang cho biết DN muốn xin giấy phép hoạt động thì phải công bố hợp chuẩn, hợp quy về phân bón. Tuy nhiên, nếu chờ được hợp quy thì công ty phải khảo nghiệm lại sản phẩm và phải chờ kết quả trong 1 năm. Vì vậy, nếu các cơ quan quản lý không gỡ vướng những vấn đề này thì DN trong nước khó có điều kiện phát triển, chiếm được thị phần trong hội nhập.
 
Về những vướng mắc mà DN đang rất cần câu trả lời, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục ghi nhận các ý kiến để trình lãnh đạo Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định.

Tin khác